Ăn măng có tác dụng gì?
Măng là món ăn quen thuộc trong mâm cơm Việt, vậy ăn măng có tác dụng gì?
Bài viết trên website Bệnh viện Vinmec cho biết, măng chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và có thể giúp ngăn ngừa, điều trị một số bệnh lý nhất định. Dưới đây là tác dụng ít biết của măng/
Ăn măng có tác dụng gì?
Giảm cân
Măng tre là loại thực phẩm rất phù hợp cho người có nhu cầu giảm cân. Chúng giàu chất xơ, giúp thỏa mãn cơn đói, chứa lượng đường và calo không đáng kể. Bên cạnh đó, tỷ lệ carbohydrate (carbs) thấp hơn so với các thực phẩm giàu chất xơ khác khiến măng trở thành thực phẩm giúp giảm cân lý tưởng.
Kiểm soát cholesterol, tốt cho tim mạch
Trong măng tre nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và khoáng chất như selen, kali tốt cho sức khỏe tim mạch. Không chỉ vậy, măng còn chứa lượng chất béo và calo không đáng kể, nhiều chất xơ giúp giảm cholesterol xấu và duy trì hoạt động đường ruột hiệu quả. Quá trình đào thải cholesterol dư thừa còn giúp thanh lọc động mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Thường xuyên ăn măng có tác dụng gì?
Tăng cường hệ miễn dịch - chống ung thư
Sự hiện diện của các vitamin thiết yếu như: A, C, E, B trong măng giúp nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể. Ngoài ra măng tre cũng giàu chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các gốc tự do gây ung thư, chứa phytosterol tự nhiên giúp ức chế sự tăng trưởng và đột biến của các khối u.
Chống viêm, kháng khuẩn nhờ ăn măng
Theo nhiều chuyên gia y tế, măng cũng thể hiện đặc tính chống viêm hiệu quả, giúp giảm đau, viêm cũng như chữa lành các vết loét. Măng có thể luộc lên ăn hoặc ép lấy nước ép và bôi trực tiếp lên vết thương để giảm viêm.
Mặt khác măng tre cũng có đặc tính kháng khuẩn, kháng virus. Điều này giúp cho măng trở thành phương thuốc tuyệt vời để hỗ trợ điều trị các bệnh do vi khuẩn, virus.
Chữa các vấn đề hô hấp - dạ dày
Do có đặc tính chống viêm nên măng hiệu quả trong việc chữa trị các vấn đề về hô hấp như: khó thở, viêm phế quản, hen suyễn. Để sử dụng, bạn có thể luộc măng và thêm chút mật ong để làm long đờm hiệu quả.
Với các bệnh dạ dày và đường ruột, ăn măng cũng giúp làm mềm phân và chữa trị táo bón (nhờ lượng chất xơ dồi dào).
Măng có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ.
Dù mang lại một số lợi ích với sức khỏe, nhưng nếu ăn măng quá thường xuyên và không đúng cách có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Dưới đây là những tác hại của măng tươi cũng như những điều cần lưu ý khi ăn măng để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tác hại của măng tươi
Theo thông tin trên Báo Sức khỏe & Đời sống, măng tươi có hàm lượng cyanide rất cao, khoảng 230mg/kg măng củ. Khi người ăn phải măng chứa nhiều cyanide, dưới tác động của các enzym đường tiêu hóa, cyanide lập tức biến thành acid cyanhydric (HCN), là chất cực độc với cơ thể và gây ngộ độc.
Các triệu chứng ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn món măng trong vòng 30 phút với các biểu hiện như: chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn… Trường hợp ngộ độc nặng, người bị ngộ độc có thể bị co giật, cứng hàm, duỗi cứng, suy hô hấp, tím tái, hôn mê.
Bên cạnh đó, nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm càng đáng lo khi nhiều người kinh doanh sử dụng các chất để tẩy trắng măng với mục đích để bảo quản măng tươi lâu.
Ai không nên ăn măng
Phụ nữ mang thai
Bên cạnh những chất dinh dưỡng, khoáng chất thì trong măng cũng có một số độc tố nhất định. Trong đó glucozit khả năng sinh ra axit xyanhydric gây nôn. Nếu thai phụ dùng măng có thể gây ra tình trạng ngộ độc ở nhiều mức độ: nôn, đau bụng, đau đầu.
Hiện chưa có nghiên cứu nào kết luận thai phụ ăn măng sẽ khiến thai nhi nhiễm độc, nhưng chuyên gia khuyến cáo người mang thai không nên ăn măng, đặc biệt là măng tươi.
Người bị bệnh thận
Các loại măng tây, măng tre đều giàu canxi không có lợi cho người mắc bệnh thận mãn tính và suy thận.
Người bị đau dạ dày
Trong măng chứa lượng axit cyanhydric cao (khoảng 230mg/1kg măng) là chất độc hại cho dạ dày nên những người bị mắc bệnh dạ dày không nên ăn măng.
NGUYỄN MAI(tổng hợp)